Giới thiệu sơ lược Tỉnh_quốc_hồn_ca

Tỉnh quốc hồn ca I

Năm 1906, Phan Chu Trinh đi Nhật Bản trở về, sau đó ông viết Tỉnh quốc hồn ca I. Năm 1907, tác phẩm được phổ biến lần đầu tiên trong các trường kiểu mới ở Quảng Nam và trong trường Đông Kinh nghĩa thụcHà Nội, sau đó lan truyền ra nhiều nơi khác.

Bấy giờ, có một số nhà yêu nước cho rằng nhân dân Việt đang ở trong mê mộng: mộng khoa cử, mộng quan trường, mộng xôi thịt,...hoặc nói một cách tượng trưng là hồn nước đã mê, đã lạc...cho nên phải gọi dậy để đi theo con đường tự lập, tự cường....[1] Vì lẽ đó, Tỉnh quốc hồn ca I và các tác phẩm đồng thời của các nhà chí sĩ khác, như Đề tỉnh quốc dân ca, Hải ngoại huyết thư, Á Tế Á ca, Chiêu hồn nước, Hợp quần doanh sinh thuyết, v.v...đã ra đời nhằm mục đích ấy.

Căn cứ Tây Hồ Phan Chu Trinh di thảo do Đốc học Lê Ấm[2] xuất bản ở Quy Nhơn năm 1945, thì Tỉnh quốc hồn ca I gồm 472 câu[3] thơ song thất lục bát, xếp vào 12 đoạn.[4]

Trong đoạn đầu, sau khi nêu quá khứ vẻ vang oanh liệt của dân tộc Việt, tiếp đến là chỉ trích lỗi lầm của người trên kẻ dưới đã làm cho nước nhà lụn bại. Từ đó, tác giả đặt vấn đề: phải học tập theo người Âu, người Mỹ (nội dung của 11 đoạn sau). Theo giáo sư Nguyễn Huệ Chi, tác giả đã so sánh nhiều phương diện về dân khí dân trí của các nước văn minh trên thế giới với dân tình của nước Việt đại để như sau:

1. Trong khi người nước ngoài có chí cao, dám chết vì việc nghĩa, vì lợi dân ích nước; thì người nước mình tham sống sợ chết, chịu kiếp sống nhục nhã đoạ đày.2. Trong khi người ta dẫu sang hay hèn, nam hay nữ ai cũng lo học lấy một nghề; thì người mình chỉ biết ngồi không ăn bám.3. Trong khi họ có óc phiêu lưu mạo hiểm, dám đi khắp thế giới mở mang trí óc; thì ta suốt đời chỉ loanh quanh xó bếp, hú hí với vợ con.4. Trong khi họ có tinh thần đùm bọc, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau; thì ta lại chỉ quen thói giành giật, lừa đảo nhau vì chữ lợi.5. Trong khi họ biết bỏ vốn lớn, giữ vững chữ tín trong kinh doanh làm cho tiền bạc lưu thông, đất nước ngày càng giàu có; thì ta quen thói bất nhân bất tín, cho vay cắt cổ, ăn quỵt vỗ nợ, để tiền bạc đất đai trở thành vô dụng.6. Trong khi họ biết tiết kiệm tang lễ, cư xử hợp nghĩa với người chết; thì ta lo làm ma chay cho lớn, đến nỗi nhiều gia đình bán hết ruộng hết trâu.7. Trong khi họ ra sức cải tiến phát minh, máy móc ngày càng tinh xảo; thì ta đầu óc thủ cựu, ếch ngồi đáy giếng, không có gan đua chen thực nghiệp.8. Trong khi họ giỏi tổ chức công việc, sắp xếp giờ nghỉ giờ làm hợp lý, thì ta chỉ biết chơi bời, rượu chè cờ bạc, bỏ bê công việc.9. Trong khi họ biết gắng gỏi tự lực tự cường, tin ở bản thân; thì ta chỉ mê tín nơi mồ mả, tướng số, việc gì cũng cầu trời khấn Phật.10.Trong khi họ làm việc quan cốt ích nước lợi dân, đúng là "đầy tớ" của dân, được dân tín nhiệm; thì ta lo xoay xở chức quan để no ấm gia đình, vênh vang hoang phí, vơ vét áp bức dân chúng, v.v...

Nhìn chung, tác phẩm cổ vũ một sự cách tân xã hội theo chiều hướng dân chủ tư sản, và đối tượng kêu gọi là tầng lớp trung lưu và thượng lưu lúc bấy giờ. Cùng với các bài hiệu triệu khác, Tỉnh quốc hồn ca I đã góp phần không nhỏ vào công cuộc canh tân tự phát của nhân dân (tức phong trào Duy Tân) vào đầu thế kỷ 20.[5]

Tỉnh quốc hồn ca II

Phan Châu Trinh viết Tỉnh quốc hồn ca II vào khoảng năm 1922 khi đang lưu vong tại Pháp, trong bối cảnh còn nóng nổi những vấn đề thời sự; như việc giải ngũ và hồi hương những người lính mộ ở Đông Dương, cuộc ngự du sang Pháp của vua Khải Định (tháng 5 năm 1922)...

Buổi đầu tác phẩm chỉ được lưu truyền bằng chép tay, mãi đến năm 1925, tờ Việt Nam hồn mới đăng trọn bài, và sau đó được bí mật gửi về nước. Tháng 1 năm 1927, Tỉnh quốc hồn ca II được tờ Tân Thế kỷ cho đăng, nhưng bị sở Kiệm duyệt lúc bấy giờ cắt bỏ chỉ còn 310 câu.

Theo bản chép tay của bà Phan Thị Châu Liên (con gái đầu của Phan Châu Trinh), sau được in trong Thơ văn Phan Bội Châu, thì Tỉnh quốc hồn ca II gồm 480 [6] câu thơ song thất lục bát, được phân thành 5 đoạn, có đại ý như sau:

- Đoạn mở đầu, nhắc lại quá khứ oai hùng của dân tộc Việt, đồng thời phê phán nhà Nguyễn đã nhắm mắt bắt chước luật pháp, khoa cử của nhà Thanh, đẻ ra một bộ máy cầm quyền hủ bại dẫn đến nước mất về tay thực dân Pháp.- Đoạn 2 nhấn mạnh sự hy sinh xương máu và tiền của người Việt giúp nước Pháp trong Thế chiến I; nhưng lại bị nước Pháp đối đãi tệ bạc, lừa bịp, vắt chanh bỏ vỏ, tăng sưu thuế, giám sát và vơ vét cả khi người Việt đi lính trở về.- Đoạn 3, công kích thực dân Pháp đầu độc dân Việt bằng thuốc phiện và rượu, đánh nhiều loại thuế vô lý, bắt bớ giam cầm người yêu nước, và cho lưu hành những thứ báo chí vô bổ trong khi cấm đoán sách báo tiến bộ.- Đoạn 4, ngay ở chính quốc nhà nước Pháp cũng lập những tổ chức đàn áp Việt kiều, bày trò triển lãm, đưa các đoàn đại biểu sang Pháp "đóng tuồng", làm nhục quốc thể và hoang phí tiền của dân Việt.- Đoạn cuối, phê phán hạng trí thức người Việt chỉ biết "nương hơi dựa bóng" làm cho người ta đi sai đường, lạc lối; và kêu gọi một sự hợp tác Pháp-Việt thực lòng, cũng như một chính sách tự trị cho Việt Nam.

Phần có giá trị lâu dài, là phần phê phán và tố cáo các hạng người trên, chiếm đến 80% chiều dài của tác phẩm.[7]